image banner
Xây dựng đội ngũ doanh nhân thành lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế đất nước
Tiếp nối chương trình Diễn đàn Khởi nghiệp sáng 9/6, phiên thảo luận có chủ đề “Thanh niên Khởi nghiệp” trong khuôn khổ Chương trình Diễn đàn Khởi nghiệp do Ban Kinh tế Trung Ương và VCCI chỉ đạo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện đã diễn ra chiều cùng ngày.
Phiên thảo luận được tổ chức nhằm mục đích góp phần nâng cao nhận thức của các đơn vị xúc tiến, hiệp hội, trường học về tầm quan trọng của khởi nghiệp, tạo tiền đề cho các bộ ngành xây dựng chủ trương chính sách mới, tạo động lực phát triển phong trào khởi nghiệp.Chương trình đã nhận được sự tài trợ của Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON.
Tới tham dự Phiên thảo luận có Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo – Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng; Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia; Nhà báo Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp quốc gia.

Về phía các đại biểu, khách mời, các diễn giả của Chương trình có: Thạc sỹ Nguyễn Hoàng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển N&G, Ủy viên BCH Khóa 6 VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội; ông Ngô Tiến Dũng – Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; PGS.TS Lê Vân Anh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS), Khoa Quản trị Trường Đại học Kinh doanh Công nghiệp; TS.Lê Hồng Hải – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Bách khoa; Th.S Nguyễn Tất Thắng – Phó Trưởng phòng Công tác chính trị và HSSV, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Thầy Nguyễn Văn Mỹ - Cố vấn cấp cao chương trình Khởi nghiệp Quốc gia; bà Lê Phương Lan – CTHĐQT Trường phổ thông liên cấp Olympia; Thầy Nguyễn Văn Mỹ - Giảng viên cao cấp Chương trình CEFE, cố vấn cao cấp Chương trình Khởi nghiệp quốc gia; ông Đàm Quang Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Phó Chủ tịch CLB CEO Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp Việt Nam; bà Hoàng Hương – Đại điện Chương trình hỗ trợ DN xã hội; bà Đỗ Tú Anh – Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.
Bên cạnh đó còn có sự tham gia của đông đảo khách mời là lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các thầy cô là đại diện các trường đại học, cao đẳng, học viện, các CLB Khởi nghiệp, các bạn thanh niên, sinh viên và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiêp, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp cho biết, thanh niên chiếm lực lượng rất lớn, là nguồn lực quan trọng trong tiến trình phát triển của nền kinh tế đất nước. Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp năm 2014 cho thấy, đội ngũ thanh niên khởi nghiệp còn rất thấp đã đặt ra vấn đề cấp bách cho nền kinh tế vì mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nghiệp – doanh nhân trở thành lực lượng chủ lực, xung kích trong phát triển kinh tế đất nước.

Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiêp, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp phát biểu khai mạc
Trải qua 12 năm, chương trình Khởi nghiệp đã có gần 2500 dự án tham gia, nhiều dự án đã đi vào triển khai thực tế và thu được kết quả. Chương trình cũng đã gây dựng được phong trào khởi nghiệp sôi nổi ở nhiều trường đại học, cao đẳng như: Đại học Ngoại thương HN, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu… Không chỉ tạo nên mạng lưới khởi nghiệp rộng khắp trên cả nước, Chương trình còn giúp hình thành và kết nối giữa Hội đồng gồm các doanh nhân thành đạt và các giảng viên về khởi sự doanh nghiệp và Hội đồng Tư vấn để hỗ trợ hiện thực hóa dự án của các bạn trẻ.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn cho biết, theo chỉ số toàn cầu về khởi nghiệp, Việt Nam chỉ có 3/12 chỉ số ở mức đạt trung bình và còn 9/12 là dưới trung bình. Vì lí do này, phiên thảo luận hôm nay được tổ chức nhằm thu thập những kiến nghị, đề xuất từ những người đang trực tiếp làm khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp có giá trị thiết thực để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi sự doanh nghiệp trong thời gian tới. 
Khởi tạo các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ
Trình bày chủ đề này trong phiên thảo luận, Th.S Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, CTHĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển N&G (N&G COPR) cho biết, nền kinh tế đất nước nói chung cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đang đứng trước những thử thách, khó khăn và trở ngại vô cùng lớn khi chúng ta tham gia hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Ngay khu vực Đông Nam Á cũng đang nằm trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Do vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta phải phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ là vô cùng chính xác.

Trước thực tế đó, năm 2013, một số DN ngành công nghiệp hỗ trợ Thủ đô (nòng cốt tiên phong là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển N&G – chủ đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội – gọi tắt là HANSSIP) đã cùng nhau báo cáo, đề xuất tới các cấp Trung ương và UBND thành phố Hà Nội để cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) – Tổ chức hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tiên trên cả nước.
Về định hướng DN “Khởi tạo”cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Hiệp hội HANSIBA tại Hà Nội - Việt Nam, Th.S Nguyễn Hoàng cho biết, HANSIBA với định hướng phát triển một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã đề ra, HANSIBA sẽ hỗ trợ xây dựng, hình thành các DN “Khởi tạo”, hướng tới những doanh nhân- thanh niên trẻ tuổi từ 28-32 tuổi được học tập, làm việc tại các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc ... và các sinh viên học tập giỏi tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.
Với vai trò, nhiệm vụ là một Tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, phải sớm ban hành các chính sách ưu đãi cao nhất cho ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó, nhà nước nên đặc biệt lưu ý khi ban hành chính sách cho công nghiệp hỗ trợ. Nếu chính sách đại trà cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn trong hội nhập phát triển vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu. Thực chất, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa có đầu ra, vốn kém; công nghệ máy móc chưa tiếp cận được….. Do vậy, "cần chú ý tới các doanh  nghiệp FDI, làm sao để họ vào và liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam cùng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao” – Th.S Nguyễn Hoàng chia sẻ.
Thứ hai, Chính phủ cần sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thứ ba, tổ chức kết nối các “nhóm doanh nghiệp” theo từng ngành nghề công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc để lôi kéo thu hút đầu tư, kinh doanh liên kết cùng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại một số Khu Công nghiệp chuyên sâu công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Thứ tư, Chính phủ nên quy hoạch thật chi tiết từng vùng Kinh tế công nghiệp hỗ trợ; Khu vực vùng kinh tế nào nên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gì? Tránh đầu tư dàn trải, lãng phí và cạnh tranh đối kháng nội bộ trong nước với nhau.
Thứ năm, Nhà nước cần chủ động hỗ trợ, thành lập mới các doanh nghiệp khởi tạo trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi về nguồn vốn tài chính, cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động và chuyển giao công nghệ.
Thứ sáu, việc áp dụng xây dựng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung theo định hướng phát triển kinh tế thị trường Việt Nam có sự điều tiết của nhà nước là đúng đắn.
Công nghệ cao: Bước đột phá cho khởi nghiệp nông nghiệp
Th.S Ngô Tiến Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho rằng, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển có lợi thế phát triển lĩnh vực này. Từ những năm giữa thế kỷ 20, các nước phát triển đã quan tâm đến việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ giúp cho kinh tế phát triển.
Tại Việt Nam, với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, nông nghiệp đóng góp 20% GDP nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch còn bất cập, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, lại chia thành nhiều mảnh, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.

Các lâm trường quốc doanh, các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu là do nông dân tự đứng ra làm chủ hoạt động không hiệu quả. Vốn ít, áp dụng công nghệ cũ, sử dụng trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chế biến và kho tàng cất giữ nông sản rất sơ sài, tạm bợ... Họ lại thiếu cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách ưu đãi hầu như không có hoặc nếu có cũng khó triển khai áp dụng.
Một thực tế nữa là chúng ta phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch. Ở nhiều địa phương, do nông dân nôn nóng chạy theo các lợi ích kinh tế, tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất và nhiều tác động xấu đến môi trường.Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu, do đó nếu đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ rất khó khăn.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi  phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm.
“Cho dù vậy, tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua đã chứng tỏ vai trò thiết yếu và là ngành kinh tế cốt lõi đem lại giá trị thực cho xã hội của nông nghiệp. Vì vậy, để phát triển bền vững, tăng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp theo tinh thần tái cơ cấu của ngành thì điều kiện thiết yếu phải đầu tư công nghệ cao và vai trò chủ lực của doanh nghiệp trong quá trình này thì mới có thể thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và lối tư duy cũ trên”. – ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, đối với Việt Nam, để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững cần phải trả lời được các câu hỏi: Sản xuất cây, con gì; sản xuất như thế nào, với công nghệ gì; số lượng bao nhiêu; giá thành ra sao và bán cho ai? Phải nghiên cứu một cách nghiêm túc để xác định thế mạnh nông nghiệp của đất nước là gì? Từ đó định hướng lựa chọn công nghệ cao áp dụng cho phù hợp và xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển.
Định hướng phát triển mô hình nền nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam là khai thác một cách có hiệu quả một số sản phẩm thế mạnh trên cơ sở phát huy tối đa năng lực KHCN trong nông nghiệp của đất nước, tạo sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Gần 30 năm qua, ngành nông nghiệp VN đã đạt được những thành tựu nổi bật, trở thành nước xuất khẩu lớn với nhiều ngành hàng đứng vị trí hàng đầu trên thế giới như: gạo, cà phê cao su, hồ tiêu, hạt điều, chè, thủy sản... Tuy nhiên, cũng trong suốt thời gian qua, chúng ta luôn đứng trước cái vòng luẩn quẩn: “được mùa mất giá”, trồng - chặt”... diễn ra hết năm này đến năm khác. Gần đây nhất, nhiều cơ quan, tổ chức xã hội và cá nhân cũng đã phải tham gia giải cứu dưa hấu hay hành tím cho nông dân trước việc hàng nông sản không tìm được đầu ra hữu hiệu. Các giải pháp tạm thời, tình thế không thể giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Vậy làm thế nào để nâng cao giá trị nông sản một cách bền vững? Theo ông Dũng, điều quan trọng là phải xây dựng và kiểm soát được quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến phân phối ra thị trường trong đó ứng dụng công nghệ vào các quá trình này là con đường phát triển nông nghiệp bền vững tất yếu. Thứ nhất, nhà nước cần có chính sách quyết liệt. Thứ hai, cần hướng đến phát triển theo thị trường. Thứ ba, chính sách đất đai phải phù hợp. Thứ tư, cần xây dựng các mô hình thí điểm sản xuất nền nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, yếu tố nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, vai trò của doanh nghiệp cũng là những yêu cầu then chốt để nâng cao giá trị nông sản một cách bền vững.
Phiên thảo luận
Là một người từng khởi nghiệp, anh Bình (Quốc Oai) cho rằng, ứng dụng công nghệ cao để tạo đột phá trong nông nghiệp cần một số chính sách lớn như khoán 10 đã được thực hiện từ cuối những năm 80 nhưng nên được sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay. Hình thức này giúp cho người nông dân tự cung tự cấp và tự khởi nghiệp.
 
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường, một nút thắt cơ bản khó tháo gỡ đó là: kinh tế thị trường thì sản xuất theo thị trường, chính sách về đất đai quy hoạch lại chưa sâu sát. Điều chỉnh quy hoạch này rất khó và người dân hoặc DN khởi nghiệp không có khả năng.
Do đó, anh kiến nghị: cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt theo thị trường. Đồng thời, nên áp dụng nhiều công cụ trong quản lý đất đai như công cụ thuế, tài chính, kinh tế,...đồng thời cần phải trích quỹ để tái tạo lại đất đai.

Ông Đàm Quang Thắng

Ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp Hà Nội, Phó Chủ tịch CLB CEO Hà Nội cho biết: "Những vấn đề khởi nghiệp được CLB đặc biệt quan tâm. Qua gần 5 năm gắn bó với Chương trình Khởi nghiệp, tôi đánh giá rất cao Chương trình này. Hiện, có rất nhiều người mới khởi nghiệp đang loay hoay không biết sẽ đi theo hướng nào, chính vì vậy, ngoài việc xây dựng chính sách, làm kinh doanh, chúng tôi cũng có những định hướng để đầu tư, xây dựng và đồng hành cùng thanh niên, sinh viên có ý tưởng, có đam mê khởi nghiệp, nhằm giúp các em có được những tố chất, những bàn đạp tốt nhất trên con đường lập thân, lập nghiệp".

Ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT: "Những năm gần đây tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ có đam mê, khát vọng khởi nghiệp. Mỗi bạn trẻ đều có một ý tưởng và điều kiện khác nhau nhưng hầu hết các bạn còn rất mông lung không biết phải làm thế nào cho hiệu quả. Với các bạn tìm đến tôi xin tư vấn, tôi thường đặt ra các câu hỏi: Bạn học ngành gì, sở thích ra sao, mục tiêu thế nào? Và lời khuyên đầu tiên tôi dành cho các bạn trẻ đó chính là phải khẳng định mục tiêu của mình là gì. Nếu chưa xác định được mục tiêu, cần phải suy nghĩ kỹ để xác định cho chính xác. Các bạn phải hiểu rằng, đất nước mình không phải chỉ như hiện nay mà sẽ thay đổi theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, làm gì thì làm, nhưng phải xác định được mục tiêu, đồng thời ngành nghề lựa chọn phải phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Sau khi lựa chọn đuợc mục tiêu, các bạn trẻ cần phải tích lũy vốn. Vốn kiến thức ở nhà trường hoàn toàn chưa đủ mà phải có thêm vốn trải nghiệm cuộc sống, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp... Có mục tiêu, có kiến thức, cộng với sự hỗ trợ của các doanh nhân đi trước, các chuyên gia, các nhà đầu tư, khi ấy, các bạn trẻ mới có thể tự tin khởi nghiệp".

 
CEO Nguyễn Xuân Tài – Công ty Anh Tài, thành viên của Hiệp hội ngành công nghiệp hỗ trợ HANSIBA chia sẻ: Bản thân là người trẻ khởi nghiệp dù mới được 1 năm. Sau khi ra trường thì có thời gian đi làm cho DN của Nhật, thấy rằng công nghệ của họ rất tốt trong khi của DN Việt Nam lại sản xuất ra các sản phẩm tồi hơn. Sau 1 năm khởi nghiệp, bản thân vẫn còn loay hoay rất nhiều vì khó tiếp cận với DN nước ngoài và DN cùng ngành trong nước. Do đó, vị CEO trẻ tuổi rất mong muốn các Hiệp hội, cơ quan chức năng có chính sách cụ thể cho những DN mới khởi nghiệp trong việc tiếp cận đầu ra.

Thầy Nguyễn Văn Mỹ - Cố vấn cấp cao chương trình Khởi nghiệp Quốc gia nói: "ngoài chương trình Quốc gia về khởi nghiệp thì không ít các cơ quan ngang bộ cũng thực hiện chương trình này. Chúng tôi thấy lãng phí vô cùng. Tôi hy vọng làm sao có thể quy tụ nguồn lực này vào để sử dụng tạo thành nguồn lực tổng thể cho quốc gia. Khi có nguồn lực tổng thể rồi, chúng ta cũng cần phải lập được kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện".
Thầy Mỹ cũng kiến nghị: cần thiết đưa chương trình khởi sự DN vào bậc trung học và có tính pháp lý hẳn hoi. “Nhưng ở chúng ta thì chưa thực hiện được điều này. Rất may là gần đây chúng tôi đã kiến nghị cho thí điểm ở một số trường như trường Cao đẳng kinh tế, Trường Nông nghiệp Việt Nam” – thầy Nguyễn Văn Mỹ nói.
Đưa giáo dục kinh doanh vào nhà trường phổ thông
PGS.TS Lê Vân Anh – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh xã hội đang thay đổi cần có sự thay đổi trong hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp. Điều này được thể hiện: Tỷ lệ không có việc làm luôn có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong thanh niên hiện nay. Việc làm trong khu vực công ngày càng ít; Xu hướng tinh giảm, tái cấu trúc, chuyên nghiệp hoá và hiện đại hoá với công nghệ mới đang thu hẹp dần nhu cầu sử dụng lao động của các tập đoàn lớn; Định hướng lại hệ thống giáo dục và đào tạo để chuẩn bị cho người học đối diện với bối cảnh đang thay đổi  là việc cần thiết và cấp bách hiện nay của các nước đang phát triển.
Tự tạo việc làm và tạo việc làm cho người khác thông qua phát triển DNVVN đang là ưu tiên lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở hầu hết các nước, DNVVN đang thu hút khoảng 60% lực lượng lao động. Ở Việt Nam, con số này là khoảng 90%; phần lớn các việc làm mới được tạo ra trong 10 năm qua ở Châu Âu và Hoa Kỳ là từ các DNVVN.
Chuẩn bị tốt cho học sinh đối mặt với tình huống tự tạo việc làm và tạo việc làm cho người khác bằng chính nghề nghiệp, kỹ thuật mà mình học được là một hướng đi tốt trong giáo dục hướng nghiệp và daỵ nghề. Đây là lý do rất tốt cho việc đưa giáo dục vào nhà trường phổ thông” - PGS.TS Lê Vân Anh nói – Giáo dục kinh doanh cho học sinh THPT là cần thiết, phù hợp với xu thế hiện nay và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh như: giúp các em tăng thêm hiểu biết về kinh tế, xã hội, rèn kĩ năng giao tiếp, có ý thức tự lập”.
“Vậy Giáo dục kinh doanh  là gì?” - PGS.TS Lê Vân Anh đặt câu hỏi. Theo PGS.TS, “Giáo dục kinh doanh”có nghĩa là giúp hiểu được: Vai trò của kinh doanh trong xã hội; Sự đóng góp của kinh doanh cho nền kinh tế quốc dân; Trách nhiệm xã hội của kinh doanh; Thái độ và cách ứng xử trong môi trường làm việc là kinh doanh;Cách thức vận hành của một doanh nghiệp. Giáo dục kinh doanh là một chương trình đào tạo dành cho Giáo viên và những người làm công tác đào tạo trong: Giáo dục dạy nghề, Giáo dục phổ thông, Giáo dục đại học.
Theo PGS.TS Lê Vân Anh, mục tiêu của Giáo dục kinh doanh là Nâng cao nhận thức về kinh doanh như một lựa chọn cho nghề nghiệp, hình thành nhận thức; Phát triển nhận thức và thái độ tích cực đối với hoạt động kinh doanh và DN dù sau này có trở thành người lao động hay người sử dụng lao động; Cung cấp những hiểu biết về lợi ích có được và thách thức phải vượt qua khi khởi sự và điều hành thành công một DN; Tạo thuận lợi cho bước chuyển tiếp từ nhà trường ra nơi làm việc, giúp hiểu rõ hơn chức năng và sự vận hành của một DN.
Đến nay, theo PGS.TS, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố đã triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên và đưa nội dung Giáo dục kinh doanh vào giảng dạy ở một số trường Trung học, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Một số tỉnh đã triển khai tốt việc giảng dạy theo tài liệu và phương pháp mới của KAB như Tây Ninh, Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên, Phú Thọ,… học sinh rất hứng thú học tập .
Nhiều sở giáo dục đào tạo có kế hoạch triển khai mở rộng trong năm học 2014-2015 (Cao Bằng có kế hoạch xây dựng mô hình điểm về giáo dục “Tìm hiểu kinh doanh”, Tuyên Quang triển khai mô hình nhà trường gắn với doanh nghiệp…).  
Cần đổi mới công tác đào tạo
Với tham luận “Đổi mới công tác đào tạo và hỗ trợ Khởi nghiệp trong trường đại học – Kinh nghiệm quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS), Khoa Quản trị Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội đã chỉ rõ việc cần thiết phải Đổi mới công tác đào tạo và hỗ trợ Khởi nghiệp trong trường đại học.
Ông Quân cho biết, đào tạo về khởi nghiệp là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa bởi đây là công việc chuẩn bị hành tranh cho thanh niên, học sinh, sinh viên để tham gia một cách tích cực vào đời sống kinh tế xã hội và đóng góp một cách tích cực cho sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội. Công việc này càng cần thiết và có ý nghĩa thiết thực với một quốc gia đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, dân số trẻ và phát triển nhanh trong môi trường hoạt động đang mở rộng như Việt Nam.

Đào tạo về khởi nghiệp thường được tiến hành dưới nhiều hình thức, cấp độ khác nhau, theo những chương trình khác nhau, từ các chương trình đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng kéo dài 3-4 năm, với kiến thức toàn diện khoảng 40 đến 50 môn học, bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau, trong điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, mức độ tập trung, đội ngũ giảng viên, tư liệu học tập... cho đối tượng sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng, cho đến các lớp bồi dưỡng ngắn từ 1-3 ngày trong khuôn khổ các chương trình tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nhân, doanh nghiệp của chính phủ và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác nhau nhằm cung cấp một vài kiến thức, kinh nghiệm cho đối tượng là thanh niên, những người muốn hay mới bắt đầu khởi nghiệp. Kết quả thu được, vì thế cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, để đánh giá kết quả đạt được từ các chương trình, cần tiến hành những cuộc khảo sát hệ thống ở người học và doanh nhân trước, trong và sau khi tham dự khoá học hay sau khi khởi nghiệp.
Qua quan sát thực tiễn, ông Quân rút ra mấy nhận xét cần được kiểm chứng lại như: Tỷ lệ lập nghiệp ở những người tham gia chương trình khởi nghiệp là tương đối thấp; Khá nhiều chủ doanh nghiệp không hề có ý định lập nghiệp khi đang còn học tại các trường đại học, cao đẳng; Nhiều chủ doanh nghiệp coi việc lập nghiệp như một lối thoát để đối phó với áp lực của cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn; Tham vọng và ước muốn của nhiều người khi lập nghiệp khá đơn giản, thiển cận; Khả năng trụ vững và phát triển của doanh nghiệp mới khởi nghiệp là rất thấp, doanh nghiệp càng mới, càng nhỏ càng dễ thất bại.
Một nghiên cứu về Chỉ số Khởi nghiệp Toàn cầu do VCCI tiến hành năm 2013 (Global Entrepreneurship Monitor, GEM 2013) đã chỉ ra một thực tế là một số chỉ số về đào tạo khởi nghiệp trong hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam xếp thứ hạng khá thấp (từ 55 đến 59 trên 69 quốc gia được khảo sát), trong khi một số chỉ số về môi trường kinh doanh và chính sách lại có thứ hạng khá cao (13 đến 15 trên 69). Từ đó, có thể rút ra mấy nhận xét về việc đào tạo khởi nghiệp nói chung và đào tạo khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng như sau:
Thứ nhất, nhận thức về đào tạo khởi nghiệp ở các trường đại học là chưa đúng đắn. Không ít người quan niệm đó là các chương trình đào tạo “nghề”, để trao và nhận “chứng chỉ hành nghề”, chứ không phải là để gây dựng “cơ nghiệp” cho người học. Thứ hai, tinh thần doanh nhân và động cơ khởi nghiệp chưa được gây dựng đủ mạnh và đúng đắn ở người học. Nếu chỉ coi lập nghiệp là một vài bài tập tình huống hay thực hành đề án kinh doanh như bán hoa hay quà lưu niệm nhân ngày lễ, tết, hoặc làm nhân viên tiếp thị ngoài giờ để lấy kinh nghiệm và có thêm thu nhập thì chưa đủ để hình thành và rèn rũa tinh thần doanh nhân. Thứ ba, kỹ năng để sống sót và cạnh tranh là rất yếu. "Nội dung của hầu hết các chương trình đào tạo đều được xây dựng trên cơ sở bối cảnh doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với hệ thống tổ chức đã được xác lập, phân chia rõ ràng thành các chức năng chuyên môn, mang tính chuyên nghiệp cao. Đáng tiếc, trong thực tế ở các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, tình trạng không đúng như vậy. Nhiều nghiên cứu về khởi nghiệp chỉ ra rằng chỉ có chưa đến 40% doanh nghiệp mới có thể sống sót qua cột mốc “5 năm”. Và để trở thành một tổ chức ổn định, chuyên nghiệp phải mất hơn 10 năm; khi đó, chỉ còn khoảng 10 % doanh nghiệp sống sót. Như vậy, “kỹ năng sống sót” cho công việc kinh doanh mới khởi sự là điều còn thiếu vắng ở hầu hết các chương trình đào tạo khởi nghiệp" - ông Quân nói.
Ông Quân cũng chỉ ra 3 lý do dẫn đến những tình trạng nêu trên. Thứ nhất là về nhận thức và kiến thức. Dạy học không phải chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là hình thành nhận thức và rèn luyện kỹ năng. Đáng tiếc đây lại là điều mà các trường đại học, cao đẳng không dễ đạt được ở các chương trình về khởi nghiệp. Hầu hết các giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn về khởi nghiệp hay điều hành doanh nghiệp. (Về nguyên tắc, các thày, cô dạy về quản lý, khởi nghiệp ở các trường công lập không được khuyến khích, thậm chí không được phép tham gia điều hành một tổ chức kinh tế bên ngoài!). Thứ hai là nội dung đào tạo. Khởi sự một công việc kinh doanh mới và điều hành doanh nghiệp mới lập cần đến nhiều kỹ năng và tố chất khác với khi điều hành doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ doanh nghiệp mới mang tố chất “lãnh đạo” nhiều hơn là “quản lý”. Nhiều nghiên cứu hoa học quản lý chỉ rõ sự khác biệt cơ bản về tính cách giữa hai loại người này. Đào tạo khởi nghiệp là đào tạo “lãnh đạo” – người có tham vọng thay đổi ‘thế giới’(!) – thay vì đào tạo “quản lý” – người luôn cố gắng gìn giữ một ‘thế giới tươi đẹp’(!). Rời khỏi chương trình đào tạo khởi nghiệp, nếu người học không cảm thấy vững tin và bị thôi thúc phải khởi nghiệp thì e rằng chương trình đã thất bại(!). Thứ ba là cơ hội lập nghiệp. Rất nhiều người nghĩ rằng, cơ hội lập nghiệp nằm ở trong môi trường kinh doanh, người có động cơ lập nghiệp chỉ cần nhận ra, “chớp lấy” và khởi sự. Nhận thức như vậy là sai lầm, hành động theo cách đó sẽ đầy rủi ro. Bởi nếu tư duy như vậy, người dạy đã mặc nhiên, thụ động và “vô cảm” gắn trách nhiệm ra quyết định lựa chọn một công việc kinh doanh cho người học còn rất thiếu kinh nghiệm và thiếu kỹ năng sống sót, cũng như gián tiếp “khuyên” họ hãy chọn những công việc “hiển nhiên”, “lồ lộ” mà làm ăn. Nếu nhiều người đều bắt đầu với “cái cơ hội lồ lộ” như vậy, nó sẽ chẳng còn “ngon ăn” nữa. "Theo tôi, cơ hội phải nằm trong chính cách tư duy sáng tạo của người khởi nghiệp. Cơ hội có nhiều ở những nơi khó khăn nhất chứ không phải thuận lợi nhất, bởi đó là nơi sự sáng tạo thể hiện sức mạnh và giá trị của nó rõ nhất. Cần tìm cơ hội ở chính những doanh nghiệp, những quá trình SX-KD, những công việc đang tồn tại xung quanh chúng ta. Sẽ chắc chắn hơn rất nhiều nếu bắt đầu với một đề án trở thành “phụ trợ” cho một doanh nghiệp, quá trình sản xuất một sản phẩm đã đứng vững trên thị trường. Hãy cố gắng chọn và làm tốt hơn một “khâu” công việc nào đó của quá trình này. Rõ ràng, để ý tưởng này khả thi, không chi cần đến cách tư duy mới và cách tiếp cận tích cực, chủ động của chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm từ các trường đại học việc xác định cơ hội, lập đề án kinh doanh, mà còn cần đến sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc cung cấp môi trường thực tiễn cho các đề án cải tiến, sáng tạo và sản phẩm mới. Như vậy, khởi nghiệp không chỉ là công việc của cá nhân người khởi sự, mà còn là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ với trường đại học và doanh nghiệp". ông Quân nhấn mạnh.
Theo một kết quả tổng hợp của các đồng nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong năm 2014, Mỹ đã cấp 4,5 triệu chứng nhận bản quyền về phát minh sáng chế, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, giống cây/con mới, Nhật Bản cấp 1,5 triệu giấy chứng nhận nhưng chỉ trong lĩng vực phát minh, sáng chế. Điều thú vị là, người Mỹ tìm ra các phát minh sáng chế từ phòng thí nghiệm ở các trường đại học; còn người Nhật lại tìm ra chúng ở trong doanh nghiệp. "Chắc chắn, mọi người đều đồng ý với tôi rằng, chúng ta không thể làm theo người Mỹ, mà nên học kinh nghiệm của người Nhật. Vậy, giải pháp cụ thể sẽ là như thế nào?" - ông Quân hỏi.
Trong một cuộc hội thảo quốc tế về nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng thực hành tổ chức ở Trường ĐH Ngoại thương 2011, mô hình xưởng thực hành cơ khí đã được một đề án của EU giới thiệu. Kinh nghiệm này rất tốt và đã được thực hành ở nhiều nước trước đây hàng thập kỷ, như chương trình đào tạo kỹ sư thực hành của CHDC Đức trước đây, và đã được áp dụng thử nghiệm tại ĐH Bách khoa HN những năng 70-80. Vậy, liệu chúng ta có thể tìm thấy ở đâu đó trên thế giới “phòng thí nghiệm” hay “xưởng thực hành” cho giám đốc tương lai hay không? Nếu đó không phải là chính “văn phòng giám đốc” ở các doanh nghiệp thì chắc khó có thể tìm được bằng chứng cho cau hỏi trên. Điều này càng khẳng định cần phải coi doanh nghiệp chính là “phần giảng đường kéo dài” của quá trình đào tạo doanh nghiệp, doanh nhân. "Để thuyết phục doanh nghiệp, chúng tôi không chỉ nhấn mạnh đến kinh nghiệm của Nhật Bản nói trên, hay kêu gọi tinh thần Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà muốn chỉ ra rằng giảng viên và sinh viên đó chính là nguồn lực trí tuệ dồi dào, “giá rẻ” doanh nghiệp có thể tận dụng. Chúng tôi tình nguyện để cho doanh nghiệp “bóc lột”. Hãy tham gia vào quá trình đào tạo của chúng tôi ở các trường đại học. Lợi ích có thể thu được cho tất cả các bên tiềm ẩn là rất lớn. Hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp sẽ tăng lên không chỉ từ việc khai thác năng lực thiết bị, công nghệ sẵn có của doanh nghiệp, nguồn nhân lực có kiến thức từ các trường đại học, mà còn thu hút thêm nguồn vốn, nguồn lực khác từ xã hội cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong doanh nghiệp" - ông Quân nói.
Mô hình vườn ươm cho người khởi nghiệp”
TS. Lê Hồng Hải - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập ngày 15/10/1956. Trường có 23 Viện, 3 Khoa và 15 Trung tâm NCKH. Nhà trường có hàng ngàn đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm (PTN lọc hóa dầu, động cơ đốt trong, vật liệu kim loại, môi trường, tự động hóa, composite & polymer,...).
Nhà trường định hướng chiến lược thành lập Hệ thống Doanh nghiệp trong Nhà trường nhằm huy động các nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình nghiên cứu, ươm tạo và thương mại hoá các sản phẩm Khoa học- Công nghệ của nhà trường. Các nhà khoa học trở thành chủ thể góp vốn, trí tuệ và công sức xây dựng doanh nghiệp.
Tại các Viện, các khoa viện đều có các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Viện CNTT & TT có chương trình khởi nghiệp cùng Microsoft. Viện ĐTQT có chương trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Tại chương trình, ông Hải cũng giới thiệu chương trình học SEPT-MBA. Chương trình dành cho học viên SEPT – MBA  có xu hướng khởi nghiệp và các cựu học viên được tham gia mạng lưới SEPTnet và hỗ trợ việc phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, ông cũng trình bày về cuộc thi Ý tưởng sáng tạo LIFE do SMILE tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích  sinh viên và cán bộ giảng viên phát triển ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Với cuộc thi này, thí sinh không cần phải có kế hoạch kinh doanh, chỉ cần ý tưởng kinh doanh sáng tạo và SMILE sẽ hỗ trợ.
Ông Hải cho biết, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường triển khai nhiều hoạt động xúc tiến và hỗ trợ khởi nghiệp dành cho cán bộ, giảng viên, hHọc viên và cựu học viên MBA, sinh viên tham dự cuộc thi “Đổi mới sáng tạo” và cuộc thi “Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Đức". 
Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo SIE” gồm 3 vòng. Tại vòng 1 so loại ý tưởng, sinh viên hoặc nhóm sinh viên nộp ý tưởng không quá 2 trang (theo mẫu). Ban giám khảo sẽ chọn 20 ý tưởng tốt nhất để tiếp tục vòng 2. Tại vòng 2, các nhóm phải  xây dựng thuyết minh chi tiết đề tài (bao gồm phân tích ý tưởng, khả năng ứng dụng, thiết kế sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, phương pháp thực hiện, dự toán kinh phí, tiến độ thực hiện) không quá 10 trang trước. Tác giả đề tài sẽ báo cáo trước Hội đồng xét duyệt trong thời gian 05 phút và trả lời câu hỏi trong 04 phút. Các ý tưởng xuất sắc nhất và khả thi sẽ được hỗ trợ thực hiện giai đoạn 3. Tại vòng 3, thí sinh sẽ hoàn thiện sản phẩm, mô hình, nghiên cứu để vào vòng chung kết.
Tiêu chí đánh giá của cuộc thi này là tính độc đáo, tính sáng tạo, tiềm năng ứng dụng và mức độ hoàn thiện của sản phẩm. Đề tài  lọt vào vòng 3 sẽ được Viện hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện sản phẩm, mô hình trên cơ sở dự toán và chi phí thực tế được Ban lãnh đạo Viện phê duyệt.
Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức” dành cho sinh viên đại học, học viên cao học trẻ có niềm đam mê khởi nghiệp và xây dựng ý tưởng kinh doanh độ tuổi dưới 35 (tập thể tham gia tối đa 3 người, tối thiểu một sinh viên, học viên thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Mỗi tác giả có thể có nhiều ý tưởng và đề án dự thi.
Cuộc thi gồm 3 vòng. Vòng 1: Các sinh viên, học viên quan tâm sẽ đăng ký và được hướng dẫn thể lệ cuộc thi và khởi nghiệp nói chung. Vòng 2: 20 ý tưởng kinh doanh tốt nhất sẽ được mời tham gia khóa học “Xây dựng kế hoạch khởi sự doanh nghiệp và đổi mới thành công”.  Vòng 3: 5 kế hoạch xuất sắc nhất được trình bày trong vòng chung kết Kế hoạch được trình bày không quá 8 phút.
Khởi sự kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học
Theo Th.S Nguyễn Tất Thắng – Phó Trưởng ban Công tác Chính trị và Công tác sinh viên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để Khởi sự kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học, Trường đại học, ngoài việc đào tạo lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội thì còn có vai trò rất quan trọng đối với việc kiến tạo tri thức mới, tạo ra sự thay đổi và tiến bộ xã hội trên tất cả các lĩnh vực thông qua kết quả nghiên cứu khoa học. Trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVNNVN) cũng không ngoại lệ.
Các cách thương mại hóa kết quả nghiên cứu chủ yếu là: Chuyển giao sản phẩm NCKH cho các tập đoàn công nghệ. Đây là một hình thức cho phép triển khai các kết quả nghiên cứu, nhưng thường đòi hỏi việc “bán” sở hữu tài sản trí tuệ của nhà nghiên cứu.
Thành lập các công ty khởi nghiệp triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học. Các công ty này được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu, do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu là một cách vừa cho phép thương mại hóa công nghệ, vừa cho phép nhà khoa học thu được lợi ích lâu dài từ việc sở hữu tài sản trí tuệ của mình, và chính cơ quan nghiên cứu cũng qua đó thu được lợi ích kinh tế. Công ty này phát triển và sản xuất sản phẩm từ công nghệ được phát triển bởi nhà nghiên cứu, bán sản phẩm ra thị trường thông qua các kênh phân phối thích hợp.
Ở quy mô thấp hơn, công ty spin-off có thể là một kênh trung gian để tiếp tục phát triển công nghệ nhằm chuyển giao tới các doanh nghiệp sản xuất lớn hơn. Đây chính là mô hình các công ty spin-off (university spin-off company) rất phổ biến ở các nước phát triển, đặc biệt ở các nước có nền khoa học phát triển. “Ở nước ta hiện nay, các mô hình dạng này còn nhiều hạn chế và khá mới mẻ”- Th.S Nguyễn Tất Thắng nói.
Trong những năm qua, ngoài việc đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học của HVNNVN đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học chất lượng tốt được chuyển giao cho doanh nghiệp phục vụ sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế xã hội của đất nước.
Th.S Nguyễn Tất Thắng cho biết, với phương châm đa dạng hóa nguồn tài chính cho NCKH thông qua tăng cường đấu thầu đề tài, dự án từ Nhà nước, các Bộ, Ngành và mở rộng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp; kinh phí NCKH của HVNNVN từ năm 2012 trên 53,131 tỷ, năm 2013 trên 56,868 tỷ, năm 2014 là 58,676 tỷ và đến tháng 4/2015 là 60 tỷ. Trong đó, nguồn kinh phí từ địa phương và doanh nghiệp đã  đạt gần 30% tổng kinh phí khoa học công nghệ.
Sản phẩm khoa học có nhiều khởi sắc về giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới, số công bố khoa học tăng lên. Theo Cục Thông tin KH&CN Quốc gia thuộc Bộ KH&CN, HVNNVN là 1 trong 20 (xếp thứ 12) tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất giai đoạn 2010 – 2014.
Để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, Học viện đã quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đạt giải như kinh phí cho đề tài khoa học của sinh viên; gắn các đề tài dự án khởi nghiệp của sinh viên với các đề tài NCKH của giảng viên, chương trình khoa học công nghệ của HVNNVN; kết nối doanh nghiệp tham gia vào quá trình đầu tư kinh phí, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên…
Từ thực tiễn thực hiện,  Th.S Nguyễn Tất Thắng đề xuất một số ý kiến góp phần nâng cao Khởi sự kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học, đó là: Cần tạo nguồn nhân lực cho xã hội, thương mại hóa các sản phẩm NCKH thông qua mô hình khởi nghiệp quốc gia, khởi nghiệp nông nghiệp; Cần phát triển mô hình viện nghiên cứu, công ty ươm tạo khoa học công nghệ, trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ, công ty tư vấn dịch vụ khoa học kĩ thuật; Cần thúc đẩy mô hình liên kết nhà trường - doanh nghiệp - chính quyền.

Ngay sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu, khách mời, các bạn sinh viên đã có cơ hội để trao đổi thảo luận tại Diễn đàn.

Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên - Chủ tịch Tổng công ty may Hưng Yên: Chúng ta đều biết vai trò của DN rất lớn. Nếu DN phát triển được thì đất nước mới phát triển được. Muốn khởi nghiệp được phải có cơ hội. Ở trong điều kiện kinh tế của nước ta, cơ hội nằm ở 80% là từ cơ chế chính sách, 20% là đang gặt hái được từ trên đường đi của khởi nghiệp. 
Chúng ta đừng nghĩ DN là cái gì xa quá mà chỉ nên xác định DN cũng chỉ là tư nhân sản xuất kinh doanh. Những người mà muốn làm DN thì hãy nuôi được bản thân đã rồi mới phấn đấu làm doanh nhân. Giả sử hoài bão làm doanh nhân là 1 nhưng ở Việt Nam cơ hội làm doanh nhân ít hơn 1. Trong khi đó ở các nước như Singapore hoài bão làm doanh nhân là 1 thì cơ hội làm doanh nhân là 1,3. Điều này có nghĩa là cơ hội của họ rất lớn. Do đó, vai trò của cơ chế chính sách để tạo cơ hội là rất quan trọng".

TS Phan Quốc Việt – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tâm Việt Group: Các bạn trẻ cần chủ động sáng tạo và nên mạo hiểm. Dân tộc ta phải là dân tộc "chim ưng", dân tộc anh hùng. Theo tôi nên đưa môn kinh doanh vào trong giáo trình của nhà trường ngay từ cấp 1, nên xây dựng văn hóa khởi nghiệp từ 0 tuổi. Cần thay đổi giáo trình, cần khởi nghiệp bất cứ lúc nào. 
Để làm được điều đó, nhà trường, gia đình, nhà nước và doanh nghiệp cần liên kết lại. Báo chí cũng cần đăng nhiều tin tức về các gương doanh nhân điển hình. Tôi cũng đề nghị doanh nhân nên là giảng viên giảng dạy cho sinh viên cách lập nghiệp trong thời buổi khủng hoảng này.

Bà Lê Phương Lan – Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Olympia: Định hướng nghề nghiệp phải từ rất nhỏ, ngay từ cấp 1 chứ không cần phải để tới cấp 3 bởi, phải có đam mê mới làm được và niềm đam mê này phải được xây dựng từ bé. 
Bằng thực tế kinh nghiệm từ trường Olympia, ngay từ khi còn nhỏ, các bạn đã phải được rèn luyện các kỹ năng, các trại hè hàng năm để trải nghiệm nghề nghiệp. Ví dụ một bạn học sinh là con của một bác chính ủy ở bệnh viện nhưng con mình lại thích cái nghề dịch vụ và ông bố vô cùng ngạc nhiên về điều đó, khác hẳn so với định hướng mong muốn từ bố mẹ.
Ở ngành giáo dục không phải để định hướng nghề nghiệp là từ cấp 3 mà nên từ rất sớm. Ngay từ bé, tại trường Olympia đã cho các cháu học về quản lý tài chính. Không cần phải học quá sâu nhưng phải cũng biết lập kế hoạch dự án nhỏ nhỏ như bán xôi để tạo cho các bạn nhỏ ý thức nghề nghiệp.
Các giảng viên đại học khi dạy cho các bạn sinh viên ở ngành kinh tế thì cũng nên trải qua hoạt động DN. Có như vậy, kiến thức sách vở cùng với kiến thức thực tế sẽ đem đến cho các bạn sinh viên đầy đủ và phong phú nhất".
 
Bà Tú Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội: Hiện nay, chúng tôi đang có hơn 500 doanh nhân trẻ ở khu vưc Hà Nội. Trong 3 năm qua chúng tôi đã hỗ trợ cho một câu lạc bộ và tổ chức được hơn 60 hoạt động cho câu lạc bộ này. Mỗi một năm, chúng tôi tổ chức triển lãm khởi nghiệp cuối năm và tham gia hỗ trợ để giúp các em sinh viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên con đường lập thân, lập nghiệp. Thông qua start up này, chúng tôi mang các thanh niên, sinh viên có đam mê khởi nghiệp tới gần hơn với những doanh nhân, nhằm học hỏi những kinh nghiệm quý báu của những doanh nhân thành đạt đi trước.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Khởi nghiệp phiên chiều 9/6, TS Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, VCCI và Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được lượng thông tin hết sức quý báu,  giúp ích cho việc soạn thảo văn kiện đại hội. Ông Bảo hứa sẽ cố gắng đưa những ý kiến thảo luận trong ngày 9/6 vào văn kiện về vấn đề khởi nghiệp; đồng thời sẽ tập hợp các ý kiến và gửi đến các cơ quan chức năng liên quan.

Qua Diễn đàn này, kết luận được rút ra rằng chất lượng lao động có liên quan đến sự thành bại của doanh nghiệp. Trong một hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội, GS Bảo Châu tham đã cho rằng, chất lượng giáo dục đang bị tụt lại tại chương trình giáo dục đại học và kiến nghị nên thay đổi chương trình đào tạo tại đại học. Tán thành với nhận xét này, ông Bảo cho rằng đó là một trong những giải pháp đột phá để có thể thay đổi nền giáo dục nước nhà.
Việc khởi sự doanh nghiệp phải bắt đầu từ giáo dục PTCS, PTTH tới đại học.Ở nước ngoài, ngân hàng coi sinh viên thực tập là những nhân viên làm việc part time, được nhận lương. Chính cách coi trọng sinh viên thực tập như vậy nên, các bạn sinh viên đã cống hiến hết sức mình vào sự phát triển chung của doanh nghiệp ngay từ giai đoạn còn thực tập.
Trong yếu tố khởi nghiệp, yếu tố sáng tạo đổi mới là cực kỳ quan trọng. Nếu muốn phát triển thêm, chúng ta phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đất nước Việt Nam có đầy đủ khả năng về nguồn lực, tài nguyên, không khí, vị trí địa lí, tri thức và được con người Việt Nam chứng minh qua mấy nghìn năm. Chính vì vậy, thanh niên, sinh viên Việt Nam hãy tự tin hội nhập và vươn dài cánh tay ra thế giới.
Diễn đàn Doanh nghiệp
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0