image banner
Nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
82 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với ngành Tổ chức xây dựng Đảng của cả nước, ngành Tổ chức xây dựng Đảng TP Cần Thơ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Tham mưu tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng; tham mưu giúp Ban Thường vụ (BTV) cấp ủy các cấp chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ gắn liền với việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm..., nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thành phố Cần Thơ được thành lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ. Lúc mới chia tách, đội ngũ cán bộ mỏng do một số cán bộ được điều động về tỉnh Hậu Giang, nhưng phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố trực thuộc Trung ương. Nhận thức được những khó khăn trên, bên cạnh việc tham mưu cho Thành ủy lãnh đạo kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị thành phố, thời gian qua, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho BTV Thành ủy ban hành Kế hoạch số 10-KH/TU về công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2006 - 2020) nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của thành phố.

Để công tác quy hoạch đạt hiệu quả, đúng quy định, Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện công tác quy hoạch luôn đảm bảo dân chủ, đúng quy trình. Từ đó, tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, hạ dần độ tuổi bình quân trong cấp ủy các cấp theo quy định, từng bước chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài, phục vụ tốt cho công tác đào tạo, luân chuyển và bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Kết quả, quy hoạch ban chấp hành (BCH) đảng bộ các quận, huyện nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 740 đồng chí (bằng 1,82 lần so với số lượng ủy viên BCH đương nhiệm), trong đó, nữ chiếm tỷ lệ 24,73% (yêu cầu cơ cấu 15%); tuổi bình quân: 42,47 tuổi (so với nhiệm kỳ trước thấp hơn 1,21 tuổi); trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học (ĐH) chiếm 97,16% (so với nhiệm kỳ trước, cao hơn 11,10%); trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân đạt 55,49% (cao hơn nhiệm kỳ trước 3,05%).

Song song đó, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu cho Thành ủy chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cùng với việc ban hành Kế hoạch số 10-KH/TU, BTV còn chỉ đạo UBND thành phố ban hành Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Đề án đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài (Đề án Cần Thơ - 150); Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể TP Cần Thơ từ năm 2010 - 2020 (Đề án số 02-ĐA/BTCTU) và gần đây, Thành ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn. Công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được chú trọng. Bên cạnh cử cán bộ tham gia học tập theo chỉ tiêu được phân bổ, thành phố còn tăng cường quan hệ với Học viện Chính trị - Hành chính (CT-HC) khu vực II mở thêm các lớp ngoài chỉ tiêu kế hoạch (thành phố chi trả toàn bộ học phí), gửi cán bộ tham gia học tập tại các lớp do Học viện khu vực IV mở riêng cho Quân khu 9 và Trường Đại học Cần Thơ; đồng thời chỉ đạo Trường Chính trị thành phố tăng cường mở các lớp đào tạo tại các quận, huyện.

Tùy vào tình hình thực tế của địa phương, Ban Tổ chức quận ủy, huyện ủy kết hợp Phòng Nội vụ tham mưu cho quận ủy, huyện ủy và UBND nhân quận, huyện xây dựng các đề án nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Tại Thốt Nốt, những năm qua, Ban Tổ chức Quận ủy đã phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu Quận ủy và UBND quận thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nhân tài trong giai đoạn 2010-2015 (gọi tắt là đề án Thốt Nốt 30+3). Trong 9 tháng đầu năm 2012, quận đã tiếp nhận 8 sinh viên tốt nghiệp ĐH đăng ký tham gia đề án và nhận nhiệm vụ công tác, nâng tổng số đã tiếp nhận đến nay là 50 sinh viên đăng ký, trong đó có 38 sinh viên tốt nghiệp và nhận công tác tại các ban, ngành, đoàn thể và các phường; còn 12 sinh viên đang theo học tại các trường. Bên cạnh đó, Quận ủy cũng chủ trương bổ sung Đề án Thốt Nốt 30+3 đối với ngành y tế, từ nay đến năm 2015 đào tạo và tiếp nhận 50 bác sĩ về quận công tác. Đến nay đã tiếp nhận 7 trường hợp.

Ở huyện Thới Lai, Ban Tổ chức Huyện ủy đã tham mưu Huyện ủy xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ đảng viên ở xã, thị trấn, ấp đến năm 2015, trong đó cũng tập trung nhiều cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay có 7 đồng chí đã và đang học chương trình thạc sĩ, 89 đồng chí đã và đang học chương trình ĐH; 20 đồng chí đã và đang học cao cấp lý luận CT-HC; 352 đồng chí đã và đang học chương trình trung cấp và sơ cấp lý luận CT-HC. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã, ấp, từ năm 2010 đến nay, Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên mở nhiều lớp bổ túc văn hóa, qua đó có nhiều cán bộ tốt nghiệp THPT, trong đó có 14 đồng chí là cấp ủy trong BCH đảng bộ xã, thị trấn.

Tại Bình Thủy, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cũng được quan tâm. Tính từ năm 2010 đến nay, quận Bình Thủy có 180 lượt cán bộ đào tạo về chính trị và chuyên môn. Trong đó, đào tạo lý luận chính trị là 160 (cao cấp: 27, trung cấp: 133) và đào tạo chuyên môn là 20 (cao học: 04, ĐH 16). Nhờ vậy, đến nay, BCH Đảng bộ quận Bình Thủy có 97,44% trình độ chuyên môn từ ĐH trở lên, có 87,18% trình độ chính trị cao cấp và cử nhân; đội ngũ CB khối đảng - đoàn thể của quận có trên 90% trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, có trên 70% trình độ chính trị từ trung cấp trở lên...

Tính từ năm 2006 đến nay, thành phố đã cử 5.087 đồng chí đi học lý luận chính trị (trung cấp 4.227 đồng chí, cao cấp và cử nhân 860 đồng chí), đưa đi đào tạo chuyên môn 6.090 đồng chí (đại học 5.019 đồng chí, thạc sĩ và tương đương 931 đồng chí, tiến sĩ và tương đương 140 đồng chí); đào tạo 121 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo Đề án Cần Thơ - 150 (thạc sĩ 117 đồng chí, tiến sĩ 4 đồng chí); cử 15 đồng chí tham gia dự tuyển cao học và nghiên cứu sinh (cao học 11 đồng chí, nghiên cứu sinh 4 đồng chí) và 34 đồng chí đi bồi dưỡng ngoại ngữ và chuyên môn dài hạn, ngắn hạn ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương; cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ… trên 15 ngàn lượt cán bộ, đảng viên. Qua đó, trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố từng bước được nâng lên, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp quận, huyện có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đạt 100% (cao cấp và cử nhân chiếm 97,4%) và chuyên môn ĐH trở lên đạt 94,79% (sau ĐH đạt 14,28%); cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành thành phố có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị đạt 95,68% và chuyên môn ĐH trở lên đạt 92,8% ( sau ĐH chiếm 29,02%).

Công tác tham mưu cho BTV Thành ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp trong thành phố thực hiện luân chuyển cán bộ được Ban Tổ chức Thành ủy chú trọng. Đặc biệt, từ khi chia tách tỉnh, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, sau mỗi kỳ đại hội, trên cơ sở quy hoạch cán bộ, các cấp ủy xây dựng kế hoạch tổ chức luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Đồng chí Phan Thị Nguyệt, Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: "Năm 1992, khi tôi tham gia công tác và đảm nhiệm làm thủ quỹ kiêm cán bộ thống kê của phường An Thới, thì tôi mới tốt nghiệp THPT. Nhờ được lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện, tôi nỗ lực phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị và được giao nhiều trọng trách như: Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy phường An Thới. Tháng 5-2012, tôi được luân chuyển, bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy. Theo tôi, việc luân chuyển cán bộ sẽ tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn".

Từ năm 2003 đến nay, thành phố thực hiện luân chuyển dọc: từ trên xuống 134 đồng chí (quận, huyện về xã, phường, thị trấn: 93 đồng chí; thành phố về quận, huyện: 41 đồng chí); từ dưới lên 364 đồng chí (xã về huyện: 266 đồng chí; huyện về thành phố: 98 đồng chí); luân chuyển ngang giữa các ngành trong quận, huyện: 219 đồng chí; giữa các ngành thành phố: 24 đồng chí; luân chuyển cán bộ giữa các quận huyện trong thành phố: 5 đồng chí.Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, phần lớn cán bộ khi được luân chuyển thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sớm tiếp cận với thực tiễn, năng động cùng tập thể cấp ủy, cán bộ đảng viên nơi mới đến xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và sát thực tế hơn; được quần chúng nhân dân tín nhiệm và được bố trí vào các chức vụ mới cao hơn.

Với sự tham mưu của Ban Tổ chức Thành ủy, công tác đề bạt, bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ cũng được thực hiện tốt. Từ năm 2005 đến nay, các địa phương, đơn vị đã điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… trên 5.000 lượt cán bộ, công chức, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Nhờ thực hiện tốt công tác qui hoạch gắn với đào tạo và luân chuyển cán bộ, những năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng TP Cần Thơ đã tạo ra sinh khí mới, động lực mới trong công tác cán bộ, thúc đẩy quá trình xây dựng, đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Qua đó, góp phần tạo được nguồn cán bộ kế cận đã được rèn luyện, thử thách, kiểm nghiệm qua thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Sỹ Khang
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0